Thứ Hai, 2 tháng 12, 2013

NGHÈO VƯỢT KHÓ

Khi người trẻ quyết thoát nghèo

Báo BVPL  - 04/11/2013 15:55

 

 

Trần Văn Thành, chàng trai trẻ sinh năm 1992 (thôn 1, xã Đạ Oai, huyện Đạ Huoai) là 1 trong  đại diện của Lâm Đồng có tên trong danh sách 300 cá nhân vừa được vinh danh bằng Giải thưởng Lương Định Của lần thứ 8 do Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh trao tặng cho những nhà nông trẻ xuất sắc nhất toàn quốc năm 2013.

Mới trở về từ Nghệ An, tiếp chuyện chúng tôi bên tách cà phê nghi ngút khói, Thành trải lòng: “Vốn liếng của tôi chính là… cái nghèo, thành thử chẳng còn con đường nào khác, ngoài ý chí vươn lên, quyết lập thân, lập nghiệp trên mảnh đất nơi mình sinh ra”.
Trần Văn Thành bên vườn sầu riêng xanh ngút ngàn

Sống ở vùng sơn cước Đạ Oai, đất đai bạc màu, cây cối cằn cỗi, cha mẹ Thành quanh năm suốt tháng quần quật ngoài đồng. Vậy mà nghèo đói vẫn cứ đeo đẳng gia đình Thành mãi, chẳng chịu rời xa. Gia đình không có nghề phụ, thu nhập từ nghề nông không đủ nuôi 7 miệng ăn, Thành đành “gác” lại chuyện học tập để về phụ giúp cha mẹ kiếm “cơm”. Nỗi khao khát con chữ đã không chiến thắng cuộc sống bộn bề khó nhọc và thế là giấc mơ trở thành kỹ sư nông nghiệp từ nhỏ đã không thành hiện thực, khi con đường học của Trần Văn Thành bị đứt quãng ở lớp 9.Năm tháng qua đi, giờ đây, Thành đã là một nhà nông thực thụ. Vườn sầu riêng Thái Lan 7,5 sào của Trần Văn Thành trở thành vườn sầu riêng kiểu mẫu ở Đạ Huoai. Rất nhiều kỹ sư, nhà khoa học đã về đây tham quan, tìm hiểu. Thành nhớ lại: “Những ngày đầu trồng sầu riêng, tôi gặp không ít khó khăn, vì chưa biết gì về loại cây này. Tôi phải tự mày mò đọc tài liệu, tìm kiếm thêm thông tin trên mạng Internet. Nhưng tất cả là nhờ bố tôi, người đã luôn bên cạnh tư vấn, hướng dẫn kỹ càng về cách bón phân, tỉa cành, tạo tán, cách phòng trừ một số loại bệnh, rồi đến các quy trình xử lý khác…”. Từ chỗ chưa biết gì, đến nay Thành đã thành thục trong tất cả các khâu chăm sóc, xử lý. Vườn sầu riêng Thái Lan rộng 7,5 sào, mỗi năm đã mang lại cho Thành thu nhập từ 70 - 90 triệu đồng. Tuy nhiên, một khi thị trường thuốc bảo vệ thực vật, phân bón chưa được kiểm soát, quản lý chặt, vẫn còn nhiều loại không rõ nguồn gốc, mua bán trôi nổi trên thị trường, khiến những người làm nông như Trần Văn Thành không thể không trăn trở. “Mong muốn của tôi là làm sao triệt tận gốc nạn làm phân bón giả, phân bón kém chất lượng. Nếu không, hậu quả mà người nông dân gánh chịu sẽ rất nặng nề!” - Thành nói.Nhận xét về Trần Văn Thành, chị Lê Thị Hương - Phó Bí thư Đoàn xã Đạ Oai, cho biết: “Ngoài trực tiếp sản xuất nông nghiệp và là một nhà nông giỏi, Thành còn là một đoàn viên tích cực trong các phong trào, hoạt động của Đoàn ở xã. Thành thường xuyên, tích cực tham gia làm đường giao thông nông thôn, sửa chữa nhà cửa hư dột cho các hộ nghèo trong xã. Ngoài ra, những buổi tập huấn chuyển giao kỹ thuật sản xuất nông nghiệp hoặc đi tham quan các mô hình do Trung tâm Nông nghiệp huyện Đạ Huoai tổ chức, Trần Văn Thành ít khi thiếu vắng”.Hiện tại, Thành đang có dự định sẽ chuyển qua nuôi lươn thử nghiệm. “Sau 3 năm nuôi thử, nếu thấy hiệu quả, tôi sẽ chuyển hẳn sang nuôi lươn theo hướng trang trại” - Trần Văn Thành tâm sự. Bởi, theo Thành, nuôi lươn số lượng lớn sẽ tự chủ được nguồn giống và các nhà hàng sẽ tự tìm đến mua. Tuy vậy, Trần Văn Thành băn khoăn: “Cái khó nhất hiện nay vẫn là vốn. Số tiền 20 triệu đồng được vay quá ít, không thể đủ để làm được việc gì, trong khi 1 năm đã phải hoàn vốn. Do đó, để tạo điều kiện cho thanh niên phát triển kinh tế, theo Thành các tổ chức tín dụng nên cho vay từ 100 - 200 triệu đồng trong vòng 5 năm, thì mới làm ra tấm, ra món”.

Nguồn:http://www.baomoi.com/Khi-nguoi-tre-quyet-thoat-ngheo/45/12334473.epi                                                                 


















Nhà nghèo nuôi 6 con học đại học

(GD&TĐ) - Nói về sự học hành của con em các hộ gia đình ở địa phương, ông Phạm Doãn Thành, Chủ tịch UBND xã Hà Lâm, huyện Đạ Huoai (Lâm Đồng) tự hào: “Xã này tuy còn nghèo, nhưng người dân rất coi trọng chữ nghĩa, nhiều gia đình là tấm gương hiếu học. Trong đó, gia đình ông Phạm Minh ở thôn 3, gia cảnh rất khó khăn nhưng đã nuôi dạy 6 con học đại học và thành tài…”

Vợ chồng ông Phạm Minh

Chông chênh vạn nẻo mưu sinh
Trước mắt chúng tôi là căn nhà cấp 4 nhỏ thấp, chật chội; phía trước nhà là một cái quán nhỏ - chiếc “cần câu” để gia đình này kiếm sống qua ngày và gom góp từng đồng tiền lẻ ít ỏi để lần lượt cho 6 đứa con vào Đại học của vợ chồng ông Phạm Minh.
Khi biết PV phỏng vấn viết báo, ban đầu ông Minh muốn từ chối. Người nông dân quê miền Trung này vốn không thích nói về mình bởi nhiều lẽ họ không nhiều chữ nghĩa, khiêm tốn và thấy việc lo cho con cái ăn học là việc bình thường của các bậc cha mẹ trước nay….
Ông Minh bùi ngùi kể lại, quê cũ của hai vợ chồng ông ở huyện Nghĩa Hành (Quảng Ngãi). Do điều kiện sản xuất ở quê quá khó khăn, nhà lại đông con; để có cơ hội nuôi sống gia đình và cho các con ăn học, năm 1975 vợ chồng ông Minh quyết định đi xây dựng KTM và đến lập nghiệp tại xã Lộc Thành, huyện Bảo Lâm - một huyện mới được tách ra từ thành phố Bảo Lộc (Lâm Đồng).
Sau 5 năm sinh sống trên quê mới dù lao động cật lực vẫn cứ nghèo, năm 1979 vợ chồng ông Minh chuyển về xã Mađaguôi, huyện Đạ Huoai sinh sống. Tại đây, ông Minh tham gia công tác tại UBND xã, còn vợ làm thuê cuốc mướn và làm rẫy, nuôi dạy các con học hành.
Mười năm sau đó (năm 1989), ông Minh thôi không làm việc ở xã, cuộc sống gia đình tiếp tục khó khăn, vợ chồng ông một lần nữa “bồng bế” đưa nhau về thôn 3, xã Hà Lâm, huyện Đạ Huoai sinh sống và bám trụ cho đến bây giờ…
Học tập “phương kế” thoát nghèo
Thu nhập từ nương rẫy, chăn nuôi, từ việc bán hàng tạp hóa nhỏ lẻ (kể cả đi làm thuê…) và dù chắt chiu đến mấy cũng không đủ chi tiêu trong gia đình và việc học hành của các con; Song, vợ chồng ông Minh suy nghĩ: “Muốn các con sau này thoát cảnh đói nghèo như đời cha mẹ chúng không cách nào khác là phải cho chúng ăn học thành tài…”.
Sau nhiều đêm suy tính, trăn trở ông Minh đã bàn với vợ: Phải xoay xở mọi cách và vay mượn nhiều nơi để cho con học tập đến cùng. Nhờ các đoàn thể ở địa phương quan tâm lập dự án vay vốn Ngân hàng CSXH hỗ trợ cho học sinh, sinh viên (theo chủ trương của Chính phủ) và sự thương yêu giúp đỡ của bà con trong thôn, trong xã đã cho mượn, cho vay…
Đến nay, cả 6 người con của vợ chồng ông Minh đều bước vào cổng trường đại học; Trong đó, có 4 con hiện nay đã tốt nghiệp ra trường và có việc làm tại một số doanh nghiệp có tên tuổi ở TP Hồ Chí Minh với mức thu nhập khá cao, ổn định.
Với những năm tháng nỗ lực vượt nghèo, nuôi dạy 6 con đều ăn học thành đạt, nhiều năm qua, gia đình ông Phạm Minh đã được các cấp chính quyền địa phương, Phòng GD&ĐT huyện Đạ Huoai và tỉnh Lâm Đồng tuyên dương “Gia đình hiếu học tiêu biểu”.
Ông Minh tâm sự: Các con của ông đều có chí, hiếu học và học giỏi; vợ chồng ông thường động viên các con phải xác định rõ động cơ của việc khổ cực trong học tập hôm nay là để ngày mai có việc làm, có thu nhập tự vươn lên bằng chính sự nỗ lực của mình; không có kiến thức thì suốt đời sẽ nghèo đói…

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét