(GDVN) - Điều 34 Luật GDĐH quy định: Các trường được tự chủ tuyển sinh, được lựa chọn phương thức tuyển, có thể xét, có thể thi hoặc kết hợp cả hai.
Tuy nhiên, trong Dự thảo mới đây của Bộ GD&ĐT quy định về tự chủ tuyển sinh đại học năm 2014 lại có những quy định khiến các trường đặt dấu hỏi: Liệu Bộ GD&ĐT có nhầm lẫn?
Các chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục vừa có nhiều ý kiến mổ xẻ vấn đề này. Báo điện tử Giáo dục Việt Nam xin gửi tới độc giả những góp ý về dự thảo tự chủ tuyển sinh của Bộ GD&ĐT.
PGS. Trần Xuân Nhĩ: Nhiều yêu cầu vô lý
Dự thảo quy định về tuyển sinh đại học, cao đẳng giai đoạn 2014-2016 còn ngổn ngang nhiều vấn đề. Tôi có so sánh hai bản dự thảo trước và gần đây về tuyển sinh 2014 thì thấy lần này có tiến bộ hơn. Bản trước Bộ không cho các trường làm đề án tuyển sinh riêng được sử dụng kết quả thi ba chung, không hiểu vì sao lại co quy định này?
PGS. Trần Xuân Nhĩ. Ảnh Xuân Trung |
Và trường nào muốn tuyển sinh riêng phải lập đề án với nhiều quy định trong đó, nhiều trường thấy rằng chính những yêu cầu này các trường đã báo cáo Bộ từ lâu, ngay từ khi các trường mới thành lập ra. Khẳng định lại quyền tự chủ tuyển sinh là quyền đương nhiên của tất cả các cơ sở giáo dục đại học, Bộ không nên bắt từng trường trình duyệt đề án tuyển sinh thì mới công nhận quyền tự chủ tuyển sinh. Tôi lấy ví dụ, nếu đồng loạt 480 trường cùng làm đề án trình lên Bộ thì không thể có thời gian mà xem xét tất cả các đề án được, cái này không cần thiết.
Thứ nữa, tôi đề nghị Bộ cũng phải nói rõ đây là một “kỳ tuyển sinh” chứ không phải là “kỳ thi”, để các trường có kế hoạch phương án như thế nào hợp lý.
Bộ phải đưa ra được chuẩn tối thiểu cho các cơ sở giáo dục đại học, những vấn đề khác như xét tuyển, điểm xét tuyển, nội dung thi, kết quả thi phổ thông, hạnh kiểm, năng lực xã hội…, đây là chuyện của các trường.
Kỳ thi chung của Bộ GD&ĐT hiện nay trong lúc kỳ thi phổ thông chưa thật sự tin tưởng để làm cơ sở cho việc xét tuyển, tuy nhiên không phải hoàn toàn kỳ thi tốt nghiệp phổ thông là như vậy, kỳ thi chung bổ sung thêm để có điều kiện lựa chọn chắc chắn hơn. Chúng ta hãy xem bà chúng có tính chất hỗ trợ để tạo điều kiện chọn lựa thí sinh đúng đối tượng, chứ không phải là kỳ thi quyết định.
Về lâu dài (nhập 2 kỳ thi làm một), kỳ thi tốt nghiệp THPT là cơ sở để cho các trường xét tuyển. Bộ phải tập trung làm việc này, trước hết trong vài năm nhưng chuẩn bị từ năm nay.
Ông Phan Quang Trung: Chúng ta đang hiểu lầm về khái niệm “Điểm sàn"
Ông Phan Quang Trung - Phó Chủ tịch thường trực VIPUA cho rằng: “Lâu nay chúng ta đang hiểu lầm rằng khái niệm điểm sàn thấp thì chất lượng thấp, quan điểm của chúng tôi cho rằng không phải như vậy. Vì, nói cho cùng chất lượng giáo dục nằm ở hệ thống giáo dục phổ thông, trong khi đó thi tốt nghiệp THPT phản ánh chất lượng giáo dục thực sự. Còn thi đại học đây chỉ là một cuộc thi “công cua”, mà đã công cua thì do cung lớn và cầu nhỏ.
Ông Phan Quang Trung, Phó chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam. Ảnh Xuân Trung |
VD: Có 500 nghìn chỉ tiêu cho thí sinh học đại học, nhưng bên cạnh đó lại có 1 triệu sinh viên tốt nghiệp. Để chọn được 500 nghìn chỉ tiêu đó phải tổ chức một cuộc thi công cua, cuộc thi này hoàn toàn phụ thuộc vào đề thi, nếu đề thi khó thì điểm sàn tụt xuống và ngược lại. Do vậy cuộc thi này không thể phản ánh được chất lượng, nếu đề khó thì điểm sàn thấp, điểm sàn thấp về phía học sinh nếu lấy từ 1 đến 500 nghìn là đủ, còn sau 500 nghìn đó không thể coi số còn lại chất lượng tồi được.
Quan điểm của chúng tôi, Bộ hãy để cho các trường tuyển sinh đúng với chỉ tiêu yêu cầu, hết chỉ tiêu đó thì dừng lại. Trong rất nhiều nước không thi, điều kiện để vào đại học là tốt nghiệp THPT cộng với 3 năm học phổ thông.
Tôi thấy rất vô lý khi Bộ GD&ĐT bắt các trường phải gửi lên đề án tuyển sinh trong khi quyền của các trường là được tự chủ, đây là một hình thức xin – cho.
TS. Lê Viết Khuyến: Tự chủ triệt để
Tôi đồng ý Bộ GD&ĐT cần khẳng định lại rõ khái niệm tự chủ tuyển sinh như thế nào, không phải tự chủ tuyển sinh là các trường phải làm đề án để xin, khi Bộ cho phép mới được tự chủ. Quyền tự chủ tuyển sinh là quyền đương nhiên của các trường.
Thực tế, lâu nay Bộ GD&ĐT cho các trường quyết định chỉ tiêu tuyển sinh (từ năm 2011), chỉ đưa ra một số tiêu chí (25 sinh viên/1 giảng viên…), sau khi tuyển sinh Bộ chỉ cần hậu kiểm. Chứ không thể bắt các trường làm đề án trong vòng chưa đầy 1 tháng như vậy, để sau đó Bộ phải duyệt, phải lấy ý kiến của xã hội? Tôi nghĩ đây là những chuyện vô lý và rất rắc rối, dễ dẫn tới chuyện các trường “ngại được tự chủ”.
TS. Lê Viết Khuyến. Ảnh Xuân Trung |
Phải khẳng định lại đây là một “kỳ tuyển sinh” chứ không phải là “kỳ thi”. Trong Điều 34 Luật GDĐH nói rằng, đây là kỳ tuyển sinh có thể tiến hành bẳng một trong ba phương thức sau: Thi tuyển, xét tuyển và xét tuyển kết hợp với thi tuyển.
Qua phân tích, khâu khó nhất để các trường tự tổ chức tuyển sinh là khâu làm đề thi, khâu xét tuyển đã là trường đại học, cao đẳng thì có quyền làm việc này. Trong chỉ thị sắp tới Bộ phải nói rõ điều này: Đó là quyền xét tuyển, thi tuyển hay kết hợp cả hai là quyền của các trường.
Vậy, cơ sở nào để cho các trường xét tuyển? Thứ nhất, quản lý nhà nước Bộ GD&ĐT phải đưa ra quy định đầu vào tối thiểu của các cơ sở giáo dục. Trong Luật GDĐH gọi là chuẩn quốc gia, vấn đề này Bộ không thể né tránh. Nếu Bộ chưa chuẩn bị được thì tạm lấy chuẩn tốt nghiệp THPT là chuẩn quốc gia, không phải chỉ bằng tốt nghiệp THPT mà những văn bằng tương đương khác (THCN, TH nghề, TH Nghệ thuật…cũng có giá trị tương đương), bởi vì phần lớn các nước cũng đều lấy tốt nghiệp THPT là chuẩn quốc gia.
Đề nghị Bộ GD&ĐT bỏ quy định các trường thi riêng không được sử dụng kết quả thi chung, vừa qua Bộ có bỏ ý này nhưng vẫn lồng vào và nói: “nếu có lấy thì lấy trên sàn”. Bộ cũng không nên quan niệm nếu các trường tự chủ thì Bộ không liên quan gì tới tổ chức thi.
GS. Lâm Quang Thiệp: Lấy kết quả thi tốt nghiệp THPT làm chuẩn
Dựa vào Luật GDĐH và Nghị quyết TƯ 8 vừa qua để có tự chủ tuyển sinh, nhưng tôi có cảm giác xã hội, Bộ GD&ĐT, các trường hiểu không được chính xác khái niệm “tự chủ” tuyển sinh.
Tự chủ tuyển sinh, đó là quyền của trường đại học. Nhưng tự chủ để tổ chức một kỳ tuyển sinh đó không phải quyền của trường đại học. Ở Mỹ hầu hết không có trường tự chủ tổ chức kỳ tuyển sinh, tất cả các trường đại học ở Mỹ đều công nhận 2 dịch vụ tuyển sinh là: SAT và ACT, dựa vào đó để tuyển sinh, vì tổ chức một kỳ tuyển sinh thực sự là rất tốn kém, rất khó khăn, đòi hỏi tốn nhiều tiền, tốn nhiều chuyên gia.
GS. Lâm Quang Thiệp cho biết, Bộ, các trường và xã hội cần hiểu rõ hơn về khái niệm tự chủ tuyển sinh. Ảnh Xuân Trung |
Ưu điểm của thi ba chung ở nước ta là tạo công bằng, bình đẳng trong tuyển sinh. Vì một học sinh nghèo ở Cà Mau muốn vào ĐHQGHN cũng có thể đến cơ sở gần đó để thi, nhưng kỳ thi ba chung có nhược điểm: Quy định điểm sàn là không đúng, nếu nói hai chung thì đúng hơn, vì quy định điểm sàn là ảnh hưởng tới tự chủ của các trường.
Mỗi trường đại học tùy theo sứ mạng, tùy theo ngành nghề có thể sử dụng điểm phù hợp, các trường tự làm việc này và Bộ không nên can thiệp. Về mặt đo lường, nếu lấy ba điểm ở ba môn thì ba điểm đó có sự phân bố khác nhau, cộng lại là không đúng tính chất khoa học.
Đề nghị Bộ GD&ĐT nên bỏ điểm sàn, bỏ khối thi để các trường sử dụng điểm chung của Bộ, kể cả được sử dụng điểm của các trường đại học khác, tùy theo hệ số để tuyển thí sinh.
Nếu để vào đại học thì kết quả thi tốt nghiệp phổ thông là chuẩn tối thiểu, nếu trường nào muốn sử dụng chuẩn đó cao hơn thì sử dụng thêm một số biện pháp tuyển khác như: Phỏng vấn, đánh giá…sẽ khoa học hơn.
Để đảm bảo chất lượng đầu vào thì Bộ GD&ĐT nên yêu cầu các trường có phương án sử dụng phải công khai kết quả tuyển cho toàn xã hội biết, xã hội sẽ giám sát điều này.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét